6 nhân tố của một bài viết – bạn đã biết?
Để đánh giá một bài viết có chất lượng hay không, chúng ta có rất nhiều cách để đo lường cũng như nhận xét. Trong các thang đo phổ biến để đánh giá về phần viết, có một bộ thang đo gồm 6 tính chất của một bài viết, mà thông qua đó ta có thể nhìn nhận một cách khách quan về nội dung và hình thức trình bày mà một bài viết nên có. Bài báo này sẽ cung cấp một hình thức đánh giá mới mà ta có thể sử dụng để cải thiện khả năng viết của chính bản thân mình.
Sáu tính chất mà một bài viết cần phải có bao gồm:
- Ideas (Ý tưởng)
- Organization (Sắp xếp tổ chức)
- Voice (Tiếng nói của tác giả)
- Word choice (Cách lựa chọn từ ngữ)
- Sentence Fluency (Độ trôi chảy của câu)
- Conventions (Quy ước dấu)
Ideas
Ý tưởng là một trong những thành phần quan trọng nhất của một bài viết. Khi người đọc nhìn vào một tác phẩm, họ muốn nhìn thấy được thông điệp từ tác giả sau khi đọc. Ý tưởng như là một lời nhắn, một câu chuyện được lồng ghép kéo léo trong bài viết. Nó cung cấp cho người đọc những thông tin thực sự cần thiết, bổ sung tri thức mới cho người đọc. Nói cách khác, nó như món chính, món đặc biệt của một nhà hàng khiến cho thực khách nhớ mãi. Để viết được bài viết tốt, bạn cần xây dựng ý tưởng của bạn một cách rõ ràng và mạch lạc, đừng để các ý của bạn quá nhiều và lan man. Khi thu thập ý tưởng, hãy chọn lọc và thu gọn lại thông tin cần thiết để có thể hình thành một đại ý hoàn chỉnh.
Organization
Ở giai đoạn phác thảo ý tưởng, sau khi đã hoàn thành việc xây dựng ý tưởng, công việc tiếp theo ta sẽ làm đó là viết bản nháp đầu tiên và sắp xếp chúng. Một bài viết hay là một bài viết mà người đọc có thể theo dõi và nắm bắt được thông tin từ đầu đến cuối mà không gặp nhiều khó khăn trong việc đi theo trình tự. Để có thể tổ chức, sắp xếp các ý tốt, ta cần luyện tập viết theo các cụm mẫu câu thông dụng (collocations) hoặc những cụm ngôn ngữ hay mà ta học được. Bên cạnh đó, sử dụng liên từ để đánh dấu chuỗi thời gian hoặc không gian cũng là một cách kết nối các ý với nhau để người đọc có thể nhìn thấy thông tin một cách trôi chảy, không đứt đoạn.
Voice
Mỗi người trong chúng ta đều có những đặc điểm cá nhân hoàn toàn khác biệt, không ai giông ai, và phong cách viết của chúng ta cũng vậy. Trong quá trình học viết, có thể chúng ta cùng tìm hiểu một cụm từ như nhau, nhưng cách chúng ta cho ví dụ rất ít khi giống nhau, bởi lẽ phong cách, cũng như tính cách, vừa vốn dĩ bẩm sinh, vừa được hình thành dựa trên những mối quan hệ xã hội, môi trường sống và điều kiện sinh hoạt của mỗi người. Để có thể tìm được tiếng nói cho riêng mình trong bài viết, chúng ta có thể tham khảo những tác giả nổi tiếng, để nhìn ra được phong cách của họ trong các tác phẩm là gì. Sau đó, khi viết bài, ta có thể liên hệ đến bản thân mình, môi trường sống của mình, những kỷ niệm, những kiến thức mà ta đã cóp nhặt trong suốt cuộc đời, để có thể tìm ra được cái chất riêng của mình.
Word Choice
đối với việc lựa chọn từ ngữ: đây có thể là yếu tố xác định trình độ cũng như năng lực ngoại ngữ của người học, bởi những người học ở cấp độ thấp hơn sẽ đưa ra những lựa chọn về từ ngữ khác biệt lớn hơn nhiều so với người học khi ở cấp độ thuần thục. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhận thức rõ, dù ở cấp độ nào, thì dùng từ cho đúng với ngữ cảnh cũng khá là quan trọng, việc lựa chọn đúng từ sẽ giúp cho người đọc hiểu được câu, hiểu được đoạn, và hiểu được toàn bộ bài viết. Ta có thể sử dụng công cụ tìm kiếm để tham khảo cách dùng từ của một số bài viết của người bản xứ, đồng thời sử dụng từ điển thesaurus để tìm ra cụm từ phù hợp để viết.
Sentence Fluency
Câu hay không nhất thiết phải thật là hoa mỹ, nhưng câu hay là câu mà người đọc có thể hiểu và cảm nhận được. Bài viết hay là bài viết mà câu trong đó đều thể hiện đúng mục đích của chúng và không làm cho người đọc phải nhăn trán quá nhiều khi đọc. Ta có thể đa dạng hoá câu cú của mình bằng cách sử dụng các cấu trúc ngữ pháp khác nhau để đưa ra được nhiều câu đa dạng và thể hiện được ý đồ của chúng ta trong câu, từ đó xây dựng nên một đại ý rõ ràng.
Conventions
Dấu câu không còn xa lạ đối với người học. Tuy nhiên, đối với các ngôn ngữ khác nhau, chúng ta sẽ có từng cách viết khác nhau, và dấu câu chắc chắn cũng sẽ thay đổi theo tính chất của các ngôn ngữ đó. Trong tiếng Anh, cách ghi dấu câu cơ bản cũng nên nắm qua để tránh nhầm lẫn với tiếng Việt, để tránh mắc các lỗi về hình thức trình bày không đáng có.
Trên đây là sáu tính chất của một bài viết hay trong quá trình học ngoại ngữ. Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp thêm cho các bạn một số kiến thức về việc sử dụng các tiêu chí đó để tự đánh giá mức độ thành công của bản thân khi bắt thay vào viết những tác phẩm của riêng mình.
Bảo Nguyên
Bạn có thể chia sẻ, sử dụng bài viết này với điều kiện ghi nguồn tác giả, dịch giả và trang web gốc.
Bài viết có tham khảo tư liệu từ ThoughtCo – Six Traits of Writing