Sử Dụng Thang Đo Bloom Để Tư Duy & Học Tập Hiệu Quả

Sử Dụng Thang Đo Bloom Để Tư Duy & Học Tập Hiệu Quả

 

Học ở đại học không giống như lúc học cấp 3, vì yêu cầu môn học ngày càng cao, ta cũng không thể gặp gỡ giảng viên thường xuyên như trước đây, và phương pháp học cũng yêu cầu được thay đổi. Tuy vậy, một số trong chúng ta vẫn chưa thích nghi với môi trường đại học và còn sử dụng phương pháp truyền thống và thụ động để học bài. Những thói quen cũ đó có thể sẽ giúp cho các bạn, nhưng liệu rằng với khối lượng bài tập ngày càng nặng, liệu chúng ta có thể học tập một cách hiệu quả nếu như vẫn theo phong cách truyền thống? Chúng ta cần cách suy nghĩ, cách học khác với trước đây. Trong bài báo này, tôi sẽ giới thiệu cho các bạn về thang đo Bloom và sử dụng nó để tư duy và học tập hiệu quả.

 

Tư duy bậc cao và hiệu quả lâu dài

 

Hầu hết trong quá trình học, học sinh đều được học một cách thụ động từ việc đọc chép, hầu hết các thông tin, nội dung bài học đều nằm ở mức độ nhớ / hiểu, và mục tiêu cuối cùng của môn học chỉ dừng lại ở những bài kiểm tra đầu ra, những kỳ thi đại học gian khổ. Ở môi trường đại học, đối mặt với những môn học khó, chúng ta cần tạo ra cho mình chiến lược học, cách nhìn nhận, cách suy nghĩ và cách học hướng đến tư duy bậc cao hơn, đưa chúng ta đi xa hơn là việc dừng lại ở nhớ và hiểu. Các cách tư duy này bao gồm Áp dụng, Phân Tích, Đánh giá, Sáng tạo, đây cũng chính là cách mà các giảng viên của các bạn đang tư duy, cũng như cái mà họ muốn nhìn thấy từ các bạn. Ở những tư duy bậc cao, chúng ta sẽ học, hiểu sâu các kiến thức thu nạp được, và sử dụng các yếu tố tư duy bậc cao này sẽ giúp kiến thức đi vào trí nhớ dài hạn. Đây chính là cách tư duy mà chúng ta nên đưa nó vào trong thói quen và phương pháp học của mình.

Thang đo Bloom

Thang đo Bloom, Hình ảnh trích xuất từ The peak information center

Các đề mục tiếp theo sẽ hướng dẫn các bạn đánh giá các kỹ năng của bản thân dựa trên thang đo Bloom. Hãy tự đặt ra câu hỏi cho mình dựa trên các cấp độ, chúng ta sẽ nhìn thấy được những gì mình còn thiếu, những gì chúng ta cần tìm hiểu, học hỏi để xây dựng khối kiến thức của riêng mình.

 

Cấp độ 1: Nhớ

Ở cấp độ này, chúng ta sẽ lặp lại thông tin dựa trên những gì đã ghi chép. Tất cả những thông tin ở đây đều là những thông tin đã có sẵn, dễ tìm kiếm, bao gồm định nghĩa, khái niệm, tên, ngày tháng năm…

Phương pháp học:

Dùng flash card

Ghi từ khoá

Liệt kê

Câu hỏi đặt ra:

X là gì?

Liệt kê các thành phần của X?

Ai là người đã …?

Cấp độ 2: Hiểu

Cấp độ này chứng tỏ người học đã nhận biết được những ý chính, điểm quan trọng và có thể giải thích, phân loại, suy luận cũng như tóm tắt thông tin.

Phương pháp học:

Thảo luận cùng bạn, giải thích cho bạn

Giải thích ý chính trong một phần

Viết tóm tắt một chương mục trong sách

Câu hỏi đặt ra:

Phân biệt X và Y như thế nào?

Nội dung chính của X là gì?

Tại sao X lại …?

Cấp độ 3: Áp dụng

Khi ta đã vượt qua mức độ hiểu, ta có thể dễ dàng áp dụng nó vào nhiều tình huống khác nhau trong sách, cũng như trong các tình huống của cuộc sống. Ta sẽ biết được khi nào thì dùng kiến thức này.

Phương pháp học:

Tìm ví dụ cụ thể về một thông tin nào đó
Làm bài tập thực hành
Viết một bài hướng dẫn cách đọc một chương mục trong sách.

Câu hỏi đặt ra:

Tại sao X hoạt động được

Làm thế nào để X đúng?

Làm thế nào để hướng dẫn A làm được X?

Cấp độ 4: Phân tích

Phân tích có nghĩa là chia tách các phần ra thành các mẩu kiến thức nhỏ hơn để có thể nghiên cứu. Bằng phương pháp này, chúng ta có thể thấy đước các mảnh ghép này đã làm nên một bức tranh lớn như thế nào, và các phần nhỏ có mối liên hệ, tương quan như thế nào để nó trở thành một khối tổng thể hoàn chỉnh.

Phương pháp học:

Xác định những yếu tố thành phần
Nhìn nhận một sự vật từ một góc độ khác
Chỉ ra mức độ ảnh hưởng của mảnh ghép đối với bức tranh

Câu hỏi đặt ra:

Làm sao thành phần này góp nên khối tổng thể?

Nếu bạn là Y, bạn sẽ thấy X như thế nào?

Điều quan trọng nhất của yếu tố này là gì

Cấp độ 5: Đánh giá

Ở cấp độ này, ta sẽ có những nhận xét, những phát biểu về một thông tin dựa trên một số tiêu chuẩn nhất định. Để làm được điều này, chúng ta phải có một quan điểm, kiến thức thật vững vàng về một kiến thức nào đó trước khi phát triển được những gì chúng ta muốn nói. Chúng ta sẽ ủng hộ hoặc phản đối một luận điểm nào đó dựa trên những minh chứng sẵn có.

Phương pháp học:

Quyết định xem bạn đồng ý hay bất đồng với tác giả về X

Lựa chọn cách mà bạn sẽ làm trong trường hợp này

Tìm ra phương pháp hiệu quả nhất

Cách đặt câu hỏi

Bạn có ý kiến gì về X?
Làm sao để xử lý tình huống này?
Quan điểm nào tốt hơn và vì sao?

Cấp độ 6: Sáng tạo

Dựa trên những kiến thức mà chúng ta đã tổng hợp được, ta có thể kiến tạo và xây dựng kiến thức mới cho riêng mình. Đây là cấp độ cuối cùng cũng là cấp độ cao nhất trong thang đo Bloom.

Phương pháp học:

Xây dựng mô hình của X

Thiết kế một bài nghiên cứu / thí nghiệm

Viết một câu chuyện ngắn để kể về một khái niệm

Cách đặt câu hỏi:

Làm thế nào để có thể tạo một mô hình để có thể dạy cho những người khác?

Thí nghiệm như thế nào để kiểm chứng thông tin này?

Liệu khái niệm này có thể được diễn đạt dưới hình thức truyện/thơ/bài hát/tranh vẽ…?

Hiểu được thang đo Bloom sẽ giúp bạn đưa được những mục tiêu học tập hiệu quả cũng như tìm ra được chiến lược học tập tối ưu cho riêng mình.

Bảo Nguyên

Xin chân thành cảm ơn tác giả bài viết gốc tại trường Đại học North Carolina tại Chapel Hill https://learningcenter.unc.edu/tips-and-tools/higher-order-thinking/

Bài viết có thể được chia sẻ và phổ biến đến cho mọi người với điều kiện ghi nguồn dịch giả,nguyên tác và trang web này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *