CHIẾN LƯỢC HỌC NGOẠI NGỮ

CHIẾN LƯỢC HỌC NGOẠI NGỮ

 

Học ngoại ngữ không hề dễ dàng. Đúng vậy. Ta phải mất rất nhiều thời gian, công sức, sự kiên trì. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã biết điều đó. Tuy vậy, không phải ai cũng sẽ có một chiến lược học ngoại ngữ thật hiệu quả cho riêng mình. Học ngoại ngữ khác với các cách học khác, đó là việc chúng ta phải trau dồi cả 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết. Bài viết này sẽ cung cấp cho các bạn một số chiến lược học ngoại ngữ cơ bản để có thể thích nghi nhanh với môi trường tại trường đại học ngoại ngữ.

 

Lý thuyết chung

 

Lý thuyết được áp dụng rộng rãi nhất hiện nay đó là lý thuyết Thụ đắc ngôn ngữ thứ hai – Second Language Acquisition bởi giáo sư Stephen Krashen. Ông cho rằng ai cũng có thể học được ngoại ngữ, chứ nó không phụ thuộc vào năng khiếu, bởi nó giống như quá trình ăn uống – cơ thể dù có khác nhau nhưng cũng cùng một động tác nhai – nuốt, tiêu hoá như nhau. Tương tự, để học được ngoại ngữ, ông cho rằng người học cần có một khoảng thời gian tiếp xúc với nó. Sự tiếp xúc này nó phải được chuyển hoá thành những đầu vào ngôn ngữ có thể lĩnh hội được (comprehensible input). Nói nôm na là nó như một chiếc usb được cắm vào máy tính (là não bộ chúng ta), máy tính đọc được nó, dữ liệu truyền từ usb sang máy, máy lưu trữ dữ liệu của usb.

 

Khi đầu vào đã được tiếp nhận, chúng ta sẽ có đầu ra, đây cũng là nguyên lý thứ hai trong việc học ngoại ngữ. Điều này được thể hiện qua kỹ năng nói và viết của người học.

 

Nguyên tắc thứ ba là nguyên tắc ôn tập và phản hồi, lúc này người học sẽ liên tục cải thiện bản thân thông qua nhiều hình thức đánh giá.

 

Từ các nguyên lý này, chúng ta có thể thấy được các chiến lược sau:

 

Cân bằng

 

Khi học ngoại ngữ, ta hãy dành thời gian lên kế hoạch cho chính mình để học ngoại ngữ sao cho đảm bảo tính cân bằng. Chúng ta vừa cho mình tiếp xúc với ngôn ngữ, vừa thường xuyên luyện tập và cải thiện, chú ý đừng quá tập trung vào một kỹ năng. Việc học lệch kỹ năng không những làm cho quá trình học của chúng ta bị chậm lại, mà còn khiến chúng ta mất phương hướng trong việc xác định năng lực ngoại ngữ của bản thân.

 

Chấp nhận và học từ lỗi sai

 

Lỗi là một hiện tượng hết sức bình thường khi học ngoại ngữ. Tất cả những người học ngoại ngữ sẽ luôn luôn mắc lỗi từ những bước đầu tiên. Hãy cứ nghĩ rằng những người thành thục tiếng Anh mà bạn thấy, họ đã trải qua rất nhiều lần trầy trật để có thể đạt đến cấp độ đó. Bạn CẦN mắc lỗi. Nhớ, bạn CẦN mắc lỗi. Từ những lỗi này, bạn sẽ khám phá ra được rất nhiều kiến thức mới. Còn ngược lại, nếu ta ngại ngần, không dám mắc lỗi, chúng ta sẽ rất chậm trong việc tiếp xúc từ vựng và điểm ngữ pháp mới, và chúng ta cũng sẽ ngần ngại cả nói và viết. Điều này vô tình vi phạm đến 2 nguyên tắc thụ đắc ngoại ngữ, khiến chúng ta sẽ mất rất nhiều thời gian để cải thiện.Hãy cho phép bản thân mình mắc lỗi, và hãy lan toả thông điệp này đến bạn bè xung quanh để tất cả cùng nhau cải thiện.

 

Chia thời gian hợp lý

 

Giả sử hôm nay là Chủ Nhật. Thứ Sáu tuần sau sẽ có một bài kiểm tra về từ vựng. Bạn chỉ có 30 phút để ôn số từ vựng này. Phân bố thời gian như thế nào sẽ hợp lý nhất?

A. Ôn 30 phút vào thứ Năm

B. Ôn 10 phút vào thứ Ba, thứ Tư và thứ Năm

C. Ôn 10 phút vào Chủ Nhật, Thứ Ba và Thứ Năm

D. Ôn 30 phút vào Chủ Nhật.

 

Chúng ta có thể có nhiều lựa chọn, nhưng lựa chọn tối ưu nhất sẽ là C – thay vì dồn hết thời gian học vào một buổi, chúng ta có thể phân bố thời gian giãn cách đều để có thể vừa học vừa ôn tập.

 

Bài viết tiếp theo sẽ cung cấp cho các bạn một số cách học ngoại ngữ hiệu quả.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *